Theo Bộ Xây Dựng, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tiếp tục xu hướng tăng trong 3 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn quý I năm 2023, theo đó, dự đoán tỷ lệ tăng bình quân rơi vào khoảng 3% - 5% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 7%).
Theo khảo sát, giai đoạn từ cuối năm 2021 đến tháng 9 năm 2022, tại một số địa phương lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh như Hà Nội, HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng.
Số liệu cho thấy, giá giao dịch bất động sản tăng cao ở hầu hết các địa phương đối với nhiều phân khúc bất động sản. Theo đánh giá, nguyên nhân tăng giá là do có sự chênh lệch về cung - cầu và nhu cầu đầu tư, mua để sử dụng của người dẫn vẫn cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực bất động sản.
Giá giao dịch bất động sản tăng cao ở hầu hết các địa phương đối với nhiều phân khúc bất động sản
Hiện tượng kê khai "hai giá" trong giao dịch bất động sản
Trong thực tế còn có hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh BĐS.
Theo quy định hiện hành đối với hoạt động kinh doanh mua bán, chuyển nhượng bất động sản, cá nhân phải nộp 2% tiền thuế trên giá chuyển nhượng, doanh nghiệp nộp 20% trên thu nhập.
Để giảm các loại thuế, phí khi chuyển nhượng bất động sản, cá nhân, tổ chức thường kê khai mức giá trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế.
Theo Bộ Xây dựng, đây gọi là hiện tượng “hai giá” trong giao dịch bất động sản. Thông thường, người dân thường khai giá mua bán trên hợp đồng công chứng căn cứ theo khung giá đất do Nhà nước quy định. Do vậy, giá giao dịch bất động sản trên hợp đồng thường thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thực tế.
Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp, trong đó thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường BĐS. Từ đó, kiến nghị giải pháp để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường.
Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản.